20 Nét văn hóa truyền thống chỉ có ở Nhật Bản

Thứ Mon,
14/06/2021
Đăng bởi Công ty cổ phần phát triển nhân lực Coma

Xứ sở mặt trời mọc từ lâu vẫn luôn nổi tiếng thế giới với vô vàn nét văn hóa truyền thống và phong tục độc đáo. Truyền thống văn hóa Nhật Bản được thể hiện ở nhiều hình thức như các lễ nghi, lễ hội, kỳ nghỉ, tiệc tùng,… và trong cả cuộc sống thường nhật làm cho cuộc sống người dân trở nên thú vị hơn. 

Ngoài những sự kiện kể trên, nhiều nét truyền thống có một không hai khác còn được thể hiện ngay trong cả nghi thức, ứng xử, tôn giáo hay trong cả những mê tín dị đoan xưa cũ. Hãy cùng COMA HR tìm hiểu về những phong tục truyền thống tiêu biểu nhất tại Nhật nhé! 

1. Tiệc Bonenkai

Một năm cũ qua đi, năm mới lại đến. Để tạm biệt những buồn phiền, xui xẻo trong năm cũ thì tiệc Bonenkai là một truyền thống không thể thiếu đối với người Nhật. Hầu hết các công ty đều tổ chức ít nhất một bữa tiệc truyền thống này. Không chỉ giới hạn phạm vi trong công ty, phòng ban hay giữa những đồng nghiệp, người Nhật còn tổ chức Bonenkai với bạn bè của họ. Bonenkai là một phong tục truyền thống nhưng không nhất thiết phải diễn ra vào một ngày cố định nào. Người Nhật thường tổ chức chúng từ trung tuần tháng 12 đến hết năm.

Truyền thống Nhật Bản – Tiệc Bonenkai 

2. Cành tre may mắn Fukusasa

Cứ tháng 1 hàng năm, rất nhiều đền thờ ở Nhật lại tổ chức phiên chợ bán cành tre may mắn. Những cành tre may mắn này ở Nhật thường được biết đến với cái tên Fukusasa. Chúng được quan niệm như một vật trang trí đem đến may mắn cho các doanh nghiệp địa phương. Sự kiện lớn nhất phải nhắc đến lễ hội Toka Ebisu tại Osaka. Có tới hơn một triệu người đổ về nơi đây để mua Fukusasa. Vào những ngày này, hầu hết các đền thờ tại Osaka đều chật kín người. Sẽ phải rất vất vả nếu như bạn muốn có cho mình một cành tre may mắn ưng ý.

Truyền thống Nhật Bản – Cành tre may mắn 

3. Ném Zabuton

Tại các đấu trường Sumo, sàn tatami thường có những chiếc gối zabuton. Zabuton là một loại gối mỏng được dùng để ngồi trên sàn tatami. Về cơ bản thì công dụng của chúng giống như những chiếc ghế. Trong các trận đấu Sumo, người Nhật thường bày tỏ sự thất vọng về kết quả bằng cách ném gối zabuton vào sân đấu.

Truyền thống Nhật Bản – Ném Zabuton 

4. Lễ hội đốt núi Yamayaki

Trong tiếng Nhật có một từ riêng dành cho việc đốt một ngọn núi là yamayaki. Yamayaki là lễ hội được tổ chức hàng năm trước khi mùa xuân tới. Tại lễ hội này, người Nhật sẽ đốt cháy cỏ trên sườn đồi núi Wakakusayama Nara. Lễ hội đốt núi này thường được kết hợp với một màn bắn pháo hoa rất đẹp mắt. Rất nhiều câu chuyện được kể lại rằng nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ các cuộc xung đột biên giới giữa các đền lớn của Nara. Một số khác lại cho rằng việc đốt núi này để ngăn chặn việc tấn công của heo rừng. Lễ hội đến nay vẫn được duy trì tổ chức vào thứ 7 tuần thứ 4 của tháng 1 hàng năm.

Truyền thống Nhật Bản – Lễ hội đốt núi Yamayaki 

5. Ném đậu Mamemaki

Setsubun là lễ hội ném đậu truyền thống Nhật Bản được tổ chức vào mùng 3 tháng 2 hàng năm. Trong tiếng Nhật, setsubun có nghĩa là “tiết phân”, thường dùng để chỉ ngày đầu tiên của mùa xuân (lập xuân). Dù không được coi là quốc lễ nhưng lễ hội setsubun vẫn được tổ chức rộng rãi tại các đền và chùa tại Nhật. Vào ngày này, những bậc phụ huynh trên khắp cả nước thường đeo mặt nạ quỷ Oni để dọa con của họ. Những đứa trẻ này sẽ ném những hạt đậu nành rang vào mặt nạ để dọa đuổi quỷ đi. Bên cạnh đó, người Nhật còn ăn số hạt đậu nành tương ứng với số tuổi của mình cộng thêm một hạt để có nhiều may mắn trong năm mới.

Truyền thống Nhật Bản – Ném đậu Mamemaki 

6. Làm bánh mochi

Mochi là một loại bánh gạo ngọt của Nhật. Gạo dùng để làm loại bánh này thường được ngâm qua đêm sau đó đặt trong một hộp gỗ “seiro” hấp trên lửa rồi nghiền thành bột mịn trong bát đá “usu”. Nguyên liệu để làm bánh mochi rất đơn giản và phổ biến. Cũng giống như bánh mỳ vậy, rất hiếm ai không thích loại bánh này. Dù loại bánh này rất phổ biến và được bán rộng rãi ở Nhật nhưng lễ hội làm bánh mochi là một sự kiện rất có ý nghĩa. Các gia đình thường tự tay làm ra những chiếc bánh này trong mỗi dịp Tết nguyên đán.

Truyền thống Nhật Bản – Làm bánh Mochi 

7. Cuộn sushi Ehomaki

Ehomaki là một phong tục truyền thống ăn cả cuộn sushi chưa cắt của Nhật Bản. Vừa ăn người Nhật vừa quay ra hướng may mắn thay đổi theo từng năm của mình. Phong tục này trước đây chỉ có ở Osaka nhưng sau đó đã lan rộng ra khắp cả nước trong những năm gần đây. Điều này thể hiện cho nỗ lực marketing của các cửa hàng tiện lợi ở Nhật. Ăn ehomaki là một hành động mang lại điềm lành được thực hiện trong một sự yên lặng tuyệt đối.

Truyền thống Nhật Bản – Cuộn sushi Ehomaki 

8. KFC vào lễ giáng sinh

Cũng giống với phong tục của người phương Tây, người Nhật thường ăn gà tây vào dịp lễ giáng sinh. Tuy nhiên, gà tây lại không dễ dàng gì để có thể tìm thấy tại Nhật. Thêm vào đó, những chiếc lò nướng của các hộ gia đình ở Nhật thường quá nhỏ để có thể nướng cả một con gà tây. Thay vào đó, nhiều người ăn tối với gà nướng để thay thế. Việc ăn KFC vào lễ giáng sinh cũng là một hoạt động rất phổ biến tại đây. Đến Nhật vào những ngày này bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều dàng dài người tại những cửa hàng KFC. 

Truyền thống Nhật Bản – KFC vào lễ Giáng Sinh 

9. Ném muối sumo

Nhắc đến sumo là nhắc đến niềm tự hào của thể thao Nhật, là một biểu tượng của tinh hoa văn hóa Nhật Bản. Trước mỗi trận đấu, các đấu sĩ thường thực hiện nghi thức tung muối để xua đuổi ma quỷ và chứng minh mình trong sạch. Một vài đấu sĩ còn rất giỏi trong việc thể hiện bằng cách ném muối cao đến tận trần nhà. Đây là phong tục có liên quan đến một nghi thức được biết đến với cái tên Harae. Đây là nghi thức được dùng để làm sạch đền Shinto. Mặc dù nó thường được dịch với nghĩa “sự thuần khiết” nhưng Harae thực ra là một lễ trừ tà xua đuổi những tư tưởng xấu.

Truyền thống Nhật Bản – Ném muối Sumo 

10. Khăn quấn đầu tại suối nước nóng Onsen

Tắm suối nước nóng là một trong những thú vui được người Nhật vô cùng yêu thích. Nhật Bản là đất nước vẫn còn núi lửa hoạt động. Chính vì vậy, nơi đây cũng có rất nhiều onsen. Hoạt động thư giãn này cũng là một trong những yếu tố thu hút nhiều du khách nước ngoài đến với vùng đất hoa anh đào. Theo quan niệm truyền thống, nước tại những suối nước nóng vẫn giữ được sự tinh khiết. Mọi người thường tắm rửa sạch sẽ trước ngâm mình trong onsen. Mọi người khi tới suối nước nóng thường mang theo khăn tắm với mục đích trên. Tuy nhiên sau khi tắm, người Nhật lại không đem chúng vào cùng bồn ngâm mình với nước onsen. Vì vậy, khi tới đây, bạn sẽ dễ dàng thấy được hình ảnh họ quấn 1 chiếc khăn tắm trắng trên đầu.

Truyền thống Nhật Bản – Khăn quấn đầu tại suối nước nóng Onsen 

11. Cúi chào

Cúi chào là một nét truyền thống quan trọng của Nhật Bản. Nó được áp dụng trong rất nhiều hoàn cảnh từ thể thao tới các đám cưới. Đối với người Nhật, lễ nghi là một trong những điều cần được coi trọng hàng đầu. Cách họ đánh giá một người không chỉ dựa vào cách nói chuyện, ăn mặc mà còn dựa vào thái độ, cử chỉ, cách chào hỏi. Từ cúi đầu chào nhẹ nhàng khi chào hỏi tới cúi người thật thấp khi muốn thể hiện lời xin lỗi chân thành. Cúi chào đúng cách sẽ khiến bạn tạo được ấn tượng tốt với họ ngay trong lần gặp mặt đầu tiên.

Truyền thống Nhật Bản – Cúi chào 

12. Khóa tình yêu

Bất kỳ một địa điểm nào được cho là nơi lãng mạn như đài quan sát của thành phố tại Nhật đều luôn tấp nập các cặp tình nhân. Những cặp đôi này tin rằng khi viết lời nhắn lên ổ khóa, khóa lại và để nó ở những nơi lãng mạn thì tình yêu của họ sẽ luôn tốt đẹp, không bao giờ chia lìa. Thậm chí có một số cặp đôi sau khi khóa ổ khóa xong còn ném chìa khóa tại nơi để chúng không thể tìm thấy được như ném xuống biển. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều nơi tập trung khóa tình yêu như đảo Chuông tình yêu Enoshima tại Nhật. Đây là một hoạt động thu hút khách du lịch nên rất được khuyến khích.

Truyền thống Nhật Bản – Khóa tình yêu 

13. Thả đèn lồng

Trong tiếng Nhật, toro nagashi có nghĩa là thả đèn lồng. Người Nhật thường tổ chức thả đèn trên các sông, hồ trong dịp lễ Obon với ý nghĩa tiễn đưa người quá cố về với thế giới của họ một cách yên bình, thanh thản. Ban đầu, lễ Obon được tổ chức với ý nghĩa tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Sau này, đây còn là dịp để các gia đình đoàn tụ, về thăm quê hương và thăm nom phần mộ tổ tiên. Ngoài ra, hoạt động thả đèn lồng còn được tổ chức hàng năm để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima năm 1945.

Truyền thống Nhật Bản – Thả đèn lồng 

14. Ngồi seiza

Seiza là một cách ngồi truyền thống trên sàn tatami. Kiểu ngồi quỳ seiza đã được công nhận là kiểu ngồi chuẩn mực nhất của người Nhật. Nhiều người cảm thấy là cả một thách thức khi phải ngồi theo phong cách này. Có rất nhiều bài hướng dẫn và video dài chỉ để dạy cách ngồi này sao cho thật chính xác. Về bản chất, ngồi seiza là sự kết hợp giữa ngồi thiền và ngồi chầu từ thời Edo. Cách ngồi này ngụ ý con người phải luôn sống lễ nghĩa, khiếm tốn và biết kiềm chế bản thân trong mọi tình huống.

Truyền thống Nhật Bản – Ngồi Seiza 

15. Lễ đốt bùa may Dondo Yaki

Dondo Yaki là lễ đốt những vật dụng đem lại may mắn như bùa, thẻ bói được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại các đền thờ thần đạo Shinto. Người Nhật quan niệm rằng ném bỏ những vật may mắn vào thùng rác là không tốt. Thay vào đó họ chọn cách đốt chúng. Những vật may mắn bán tại các đền thờ thường có biểu tượng con giáp theo từng năm tương ứng. Vận xấu sẽ tới nếu như bạn vẫn giữ những đồ vật này khi bước sang năm mới.

Truyền thống Nhật Bản – Đốt bùa may mắn Dondo Yaki 

16. Đón bình minh đầu năm mới

Theo truyền thống Nhật Bản, vào ngày đầu tiên của năm mới mọi người sẽ thức dậy sớm để đón bình minh. Người Nhật cho rằng, khi mặt trời của ngày đầu tiên trong năm mới mọc cũng là lúc vị thần tuổi tác Toshigamisama xuất hiện. Vừa ngắm mặt trời mọc, mọi người vừa cầu chúc cho bản thân và gia đình một năm mới hạnh phúc, may mắn và tài lộc. Ngoài ra, vào ngày đầu năm, các gia đình tại Nhật có phong tục cùng gia đình chuẩn bị một bữa sáng truyền thống thịnh soạn. Trong ngày này cũng có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng và giải trí.

Truyền thống Nhật Bản – Ngắm bình minh 

17. Mặc khố tại các lễ hội

Trong tiếng Nhật, khố được gọi là fundoshi. Đây là một loại đồ lót được đàn ông từ thời xưa sử dụng. Công nhân và những người lái xe kéo cũng sử dụng chúng để mặc bên ngoài. Ngày nay, xã hội đã phát triển hơn rất nhiều. Chúng ta không còn thường xuyên nhìn thấy hình ảnh những người đàn ông mặc khố nữa. Tuy nhiên việc mặc fundoshi vẫn xuất hiện tại các lễ hội. Đặc biệt, loại khố này còn nổi tiếng vì được mặc bởi các đấu sĩ sumo.

Truyền thống Nhật Bản – Mặc khố tại lễ hội 

18. Yukata mùa hè

Nhắc đến mùa hè ở Nhật thì nhất định phải kể đến Yukata. Nhiều người nước ngoài vẫn thường hay nhầm lẫn giữa kimono và yukata. Tuy nhiên, đây là hai loại trang phục truyền thống Nhật Bản hoàn toàn khác biệt. Yukata được làm bằng chất liệu là vải cotton, thoáng khí nên rất hợp với thời tiết màu hè. Diện yukata còn đặc biệt thoải mái hơn kimono ở điểm người mặc yukata không cần phải mặc thêm áo lót tuban và vớ bên trong. Bên cạnh đó, yukata được sản xuất từ chất liệu vô cùng phổ biến nên có giá thành không hề đắt. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể mặc yukata. Mỗi khi mặc bộ trang phục này đều khiến chúng ta cảm nhận được không khí lễ hội.

Truyền thống Nhật Bản – Yukata mùa hè 

19. Irasshaimase!

Đây hẳn là một câu nói không còn chút lạ lẫm nào với những bạn yêu mến Nhật Bản đúng không nào! Irasshaimase là một cách nói “mời vào” đặc biệt vô cùng lịch sự. Mỗi khi bước vào bất cứ nhà hàng nào của Nhật bạn cũng được nghe thấy nhân viên nói câu này. Nhân viên tại các khu mua sắm đông đúc thậm chí nói câu này tới cả nghìn lần một ngày. Câu nói này sẽ vô cùng hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Hầu hết các nhà kinh doanh tại Nhật đều áp dụng câu nói này một cách rất nghiêm khắc. Những nhân viên chào đón khách hàng bằng giọng điệu hời hợt còn có thể bị kỷ luật. Với tư cách là khách, bạn không cần phải đáp lại câu nói irasshaimase này.

Truyền thống Nhật Bản – Irasshaimase 

20. Cào tre may mắn

Các doanh nghiệp Nhật bản thường có phong tục mua một chiếc cào làm bằng tre được trang trí bởi các biểu tượng may mắn vào mỗi dịp cuối năm. Cứ tháng 11 tới là trên cả nước lại nổi lên rất nhiều sạp bán những chiếc cào tre này. Thông thường, những người làm kinh doanh sẽ mặc cả giá cho chiếc cào của họ. Tuy nhiên, khi thỏa thuận bị mắc kẹt thì họ giải quyết bằng nghi thức vỗ tay truyền thống.

Truyền thống Nhật Bản – Cào tre may mắn
popup

Số lượng:

Tổng tiền: